Về nguồn gốc của Tấu Nói, trên Xianzhou có nhiều giải thích khác nhau, giữa những người ủng hộ những cách lý giải khác nhau luôn nảy sinh tranh luận không dứt. Nhưng tại hạ cả gan có lời này: Thể loại tranh luận này chẳng giúp được gì cả, cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chúng ta chỉ cần biết, Tấu Nói là bộ phận cấu thành cực kỳ quan trọng trong đời sống dân gian tại Xianzhou, thế là đủ rồi.
Theo tại hạ được biết, bất luận là người Xianzhou, người Hồ Ly, người Vidyadhara hay thậm chí Dân Ngoại Giới, những người không thích ca kịch thì có vô số, không thích nghe Bình Thư lại càng không thể đếm nổi, nhưng ghét bỏ Tấu Nói thì lại ít như "lông phượng sừng lân".
Nguyên nhân thì cũng rất đơn giản, Tấu Nói vừa có sự nhã nhặn lại có nét phàm tục, nhẹ nhàng hòa hợp. Có khi bạn đã mệt cả ngày trời, chỉ muốn thả lỏng cơ thể và não bộ một chút, lúc này, tìm đến một trà quán, nâng trên tay một ấm trà nóng, nằm ưỡn người trên ghế dài nghe một đoạn Tấu Nói... Chà chà, thật chẳng thể tìm được việc nào thoải mái hơn thế nữa!
Thông thường Tấu Nói có hai người biểu diễn, một người phụ trách tung ra chuyện gây cười, một người đảm nhiệm việc hứng câu chuyện cười đó, trong những màn đối thoại qua qua lại lại này, lại nói lên những câu chuyện nhỏ vi diệu trong đời sống hàng ngày.
Nghề căn bản của tại hạ là Bình Thư, nhưng diễn viên Tấu Nói và diễn viên Bình Thư đều nhờ vào miệng lưỡi nói lời thẳng thắn kiếm tiền mưu sinh, có rất nhiều điểm tương đồng. Từ sớm trước đó tại hạ đã nói với các vị rồi, việc Bình Thư không chỉ giúp người nghe nghe ra câu chuyện, mà hơn thế phải khiến người nghe hòa mình vào câu chuyện đó... Tấu Nói cũng như vậy.
Hơn nữa, Tấu Nói không chỉ cần người diễn viên có năng lực vững vàng, ngay cả bạn diễn nếu như không có năng lực, thì cho dù bản thân có tài năng thiên bẩm đi nữa, cũng chỉ đơn thuần là sự kết hợp vô vị. Sự phối hợp nhuần nhuyễn ăn ý giữa hai người mới có thể đem lại tiết tấu vi diệu, mà tiết tấu tự sự độc đáo này, vừa hay là thứ pháp bảo độc nhất mà Tấu Nói khiến người nghe thoải mái cười vui.
Lúc này thì chắc có khán giả muốn nói thế này rồi: "Từ khía cạnh này mà nói, chẳng nhẽ Tấu Nói có phần khó hơn với Bình Thư?"
Điều này... tại hạ cũng không đưa ra nhận định gì cả đâu. Chi bằng ngài tự mình đến Bất Dạ Hầu, nghe thử Bình Thư, rồi lại nghe thử Tấu Nói, sau đó tự mình nhận định, được chứ?