Xianzhou Trụy Tử và Kịch Trống Của Người Hồ Ly đều không được cho là khắt khe với các đoạn ca và vần điệu. Người Xianzhou chủ yếu đề cao diễn tấu của đàn Trụy, chứ không chỉ diễn xướng của cá nhân. Người Hồ Ly thì đề cao nội dung ca từ hơn, luôn luôn dùng cùng một nhịp điệu câu ca để hát cả đoạn kịch trống. Người Vidyadhara thì lại khác, phối nhạc đệm của họ rất giản đơn (chỉ cầm một thanh gõ phách), ca từ cổ điển, nho nhã, mà nhịp điệu lại biến đổi không ngừng.
Tuy nhiên, nếu ngài là một khán giả có tâm thiện lành, cực kỳ không thích nghe những câu chuyện về sự khổ cực, vậy thì nếu ngài thấy ở đâu có người Vidyadhara, trên tay cầm phách gõ vang... sau đó người Vidyadhara này bắt đầu đệm phách, bắt đầu ngâm nga... tại hạ xin chân thành khuyên ngài mau mau chạy đi, câu chuyện được hát sau đó có khả năng sẽ khiến ngài không chịu nổi đâu.
Bởi vì, "Điệu Hát Vidyadhara" có thể nói là đại diện cho nét đẹp của "bi kịch" trong kho tàng văn hóa truyền thống Xianzhou. Đều là hát về tình yêu, người Xianzhou hát về hai con người hồn nhiên vô tư, Người Hồ Ly hát lên tình yêu mãnh liệt, người Vidyadhara thì lại hát về cơ duyên dang dở. Cùng là hát về anh hùng, người Xianzhou hát lên truyện anh hùng nghĩa hiệp, Người Hồ Ly hát lên việc trừ gian diệt bạo, người Vidyadhara thì lại hát ra đại nghiệp bất thành.
Điệu Hát Vidyadhara thiên về bi kịch, những bài ca có kết cục viên mãn đếm trên đầu ngón tay, đại đa số đều để lại cho người nghe một cái kết khó mà dứt được. Giờ nghĩ lại, Điệu Hát Vidyadhara được khởi nguồn từ thời kỳ người Vidyadhara vật lộn trong bất ổn, sự cố chấp về nét đẹp trong bi kịch này, có lẽ cũng đến từ những tháng năm gian khổ đó mà ra.
Mấy trăm năm trước, có một người Vidyadhara tên Ling Jie, hát hai bài ca kịch là "Truyền Thuyết Răng Rồng" và "Tái Sinh Duyên", nổi tiếng cả Xianzhou Luofu. "Truyền Thuyết Răng Rồng" là một bài sử thi anh hùng có cái kết bi kịch, còn "Tái Sinh Duyên" lại nói về một mối tình "đương nhiên kết thúc bằng bi kịch" giữa cặp đôi người Xianzhou và người Vidyadhara.
Hiện nay Ling Jie đã thoát noãn tái sinh, nhưng tác phẩm của cô ấy lại không hề thất truyền. Có vô số người sống lâu năm tại Xianzhou vẫn đang đi theo bước chân của Ling Jie, bước vào con đường ca kịch Điệu Hát Vidyadhara. Trong đó có không ít người thậm chí không phải là người Vidyadhara. Trong thời đại ngày nay, nếu ngài nghe thấy có người đang hát Điệu Hát Vidyadhara trên Xianzhou, thì chắc đến tám chín phần mười người diễn viên đó tự xưng là môn sinh ngưỡng mộ Ling Jie.
Vậy nên tại hạ cứ thấy là, Ling Jie không hề tái sinh giống như các Vidyadhara khác, mà đã trở thành một thứ văn hóa, thực sự trường tồn mãi mãi trong lòng người dân Xianzhou rồi.